Từ ngày 19 – 22/6/2023, mình đến Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Đây là lần đầu tiên mình đặt chân đến hòn đảo này. Bận việc nên chưa viết bài được, nay thứ 7 mình tranh thủ viết chia sẻ với các bạn về du lịch Côn Đảo.
Cảm nhận của mình khi đến Côn Đảo là tuyệt vời. Đảo sạch sẽ, đường sá đẹp, cây nhiều nên mát, nhất là những cây bàng khổng lô bên đường rợp bóng mát, không khí trong lành, trên đường không có cảnh sát giao thông, vì họ sử dụng camera giám sát trên các tuyến đường. Người dân đảo chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy.
Cách đi đến Côn Đảo
Đến Côn Đảo, bạn có thể sử dụng đường hàng không hoặc tàu thuỷ tùy thuộc vào điểm khởi hành của bạn. Dưới đây là các cách đi đến Côn Đảo:
1. Đi máy bay: Cách nhanh nhất và tiện lợi nhất để đến Côn Đảo là bằng đường hàng không. Có hai hãng hàng không chính là Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác đường bay giữa Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và Côn Đảo. Thời gian bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Côn Đảo khoảng 45 phút.
2. Đi tàu: Nếu bạn muốn trải nghiệm hành trình bằng biển, có thể đi tàu từ TP. Hồ Chí Minh đến Côn Đảo. Tàu xuất phát từ Bến cảng Nhà Rồng (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) đến Côn Đảo. Hành trình bằng tàu thường mất khoảng 4 – 6 giờ. Hiện nay tuyến này đang tạm dừng, các bạn hãy xem lại thời điểm muốn đi thì tuyến tàu này đã mở lại hay chưa nhé.
Hiện có chuyến tàu từ Vũng Tàu đi Côn Đảo: Bạn bắt xe khách hoặc đi xe cá nhân đến Vũng Tàu gửi xe rồi mua vé tàu đi Côn Đảo. Có thể lên website đặt mua vé tàu trước hoặc điện thoại hỏi về thời gian tàu khởi hành, bạn đến sớm để mua vé trực tiếp sẽ hay hơn. Ngoài ra, bạn có thể đi xuống Bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đi tàu Mai Linh hoặc xuống Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đi tàu ra Côn Đảo. Tàu lớn chạy khá êm nên bạn không sợ bị say sóng.
Sau khi đến Côn Đảo, bạn có thể thuê xe máy, xe đạp, xe điện hoặc taxi để di chuyển trong đảo. Côn Đảo có mạng lưới đường xá tốt nên đi lại khá thuận tiện. Bạn cũng có thể dùng xe đạp để khám phá các địa điểm du lịch và bãi biển đẹp tự nhiên của đảo.
Những điểm tham quan chính
Côn Đảo là một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Việt Nam, với nhiều địa điểm nổi tiếng và đẹp tự nhiên. Dưới đây là một số địa điểm nổi tiếng bạn nên khám phá khi đến Côn Đảo:
- Mộ chị Sáu: Điểm đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ đến là Mộ chị Võ Thị Sáu. Mộ chị Sáu ở Côn Đảo là một địa điểm lịch sử quan trọng trên hòn đảo này. Chị Sáu là một nữ anh hùng, người yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Chị tham gia hoạt động kháng chiến chống giặc ngoại xâm và hy sinh dưới tay quân địch tại Côn Đảo.
Mộ chị Võ Thị Sáu nằm ở thôn An Hải, xã An Hải, huyện Côn Đảo (kế bên Nghĩa trang Hàng Dương). Đây là nơi nghỉ ngơi và tưởng nhớ công lao của chị Võ Thị Sáu cũng như những anh hùng liệt sĩ khác. Mộ chị được thiết kế trang trọng, ghi chép lại tên tuổi và đóng góp của chị trong cuộc kháng chiến.
Đến thăm Mộ chị Võ Thị Sáu, bạn có thể tưởng niệm và hiểu rõ hơn về những nỗi đau và hy sinh của những người con của dân tộc đã chiến đấu cho độc lập và tự do của quê hương. Đây là một trong những địa điểm nổi tiếng và ý nghĩa khi du lịch Côn Đảo, giúp bạn khám phá và cảm nhận lịch sử đặc biệt của hòn đảo này.
- Nghĩa trang Hàng Dương là một trong những điểm tham quan lịch sử quan trọng trên đảo Côn Đảo.
Đây là “địa chỉ đỏ” thu hút nhiều du khách viếng thăm khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Theo giới thiệu của người thuyết minh viên, có khoảng 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Nghĩa địa tù đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò, còn gọi là di tích Bãi Sọ người, sau dời lên Hàng Keo (ven biển). Đến sau năm 1934, nhất là giai đoạn năm 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã có hàng ngàn tù nhân ở hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giết hại. Nghĩa địa Hàng Keo hết chỗ, thực dân Pháp phải mở thêm nghĩa địa để chôn tù. Đó chính là Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay. Tính đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (năm 1975), ước tính có khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại tại đây.
Từ năm 1992, nghĩa trang được quy hoạch trên diện tích khoảng 20ha, khởi công xây dựng và tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng các phần mộ trước đó, chia thành 4 khu A, B, C, D (riêng khu B được chia ra làm hai phần B1 và B2) theo thời kỳ với 1.922 phần mộ trong đó 714 phần mộ có tên.
Khu A chủ yếu là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1945 trở về trước. Tiêu biểu có phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Khu B chôn hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và chống Mỹ. Tại đây có phần mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu. Khu C đa số là các phần mộ yên nghỉ từ năm 1960 đến năm 1975. Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Hàng Cau, Nghĩa trang Hàng Keo và từ nơi khác trên Côn Đảo về.
Hiện nay, Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo khang trang với sân hành lễ rộng, tượng đài chính giữa uy nghi cao 21,6m được thiết kế cách điệu từ hình dáng của các nấm mồ và bia mộ, ghép từ tổ hợp 144 phiến đá khối, chạm khắc những hình tượng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Bên dưới là bức phù điêu cao 2m, dài 30m khắc họa hình ảnh khắc nghiệt từng diễn ra tại nhà tù Côn Đảo trong 113 năm (1862-1975).
Từ cổng đi vào, khu vườn đá được xây dựng trên ý tưởng sự sụp đổ của mảng tường nhà tù. Trong khu vườn đá có tượng “Thủy chung” (trước đây gọi là tượng “Trao áo”) cao 4,5m thể hiện lòng trung thành, chung thủy với cách mạng của đồng chí, đồng đội và những chiến sĩ yêu nước, trước khi chết cởi áo trao nhau. Bên cạnh đó, còn có tượng “Hy vọng” cao 4,5m mô phỏng sự lạc quan, tin vào thắng lợi, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trung tâm vườn đá là phù điêu “Bất khuất” cao 3,5m, dài 12,5m, một bên khắc họa hình ảnh về cuộc sống tù nhân Côn Đảo nhằm tố cáo chế độ nhà tù của thế lực thực dân xâm lược, một bên thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cộng sản yêu nước từng bị giam cầm và đày đọa tại “địa ngục trần gian Côn Đảo”.
Thăm khu di tích Hàng Dương là cơ hội để bạn hiểu rõ hơn về lịch sử và thời kỳ chiến tranh của dân tộc ta; đồng thời là cơ hội để tưởng nhớ và tôn vinh những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
- Nhà tù Côn Đảo là nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu và hình ảnh chứng minh về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tính tới ngày đất nước thống nhất năm 1975, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo tồn tại 113 năm. Chính quyền thực dân Pháp tới chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng tại Côn Đảo hệ thống nhà tù lớn nhất Việt Nam với 7 trại giam, 2 khu biệt lập và 127 phòng giam, 44 xà lim cùng 504 phòng giam biệt lập. Hệ thống nhà tù này từng được xem là “địa ngục trần gian”.
Nhà tù được sử dụng để giam giữ hàng nghìn tù nhân chính trị. Điều kiện sống tại nhà tù này cực kỳ khắc nghiệt và nhiều người đã phải trải qua những cảnh đau khổ, khủng khiếp, chỉ nghe kể thôi đã thấy rùng mình, còn khi nhìn thực tế mới thấy đáng sợ, nhưng các nhà yêu nước thời bấy giờ đã chịu khổ ải và vượt qua đau đớn với những trận đòn độc á của kẻ thù.
Ngày nay, khu di tích được bảo tồn và mở cửa cho du khách tham quan. Bạn có thể tới đây để tìm hiểu về lịch sử đau thương của Côn Đảo, tham quan các tàn tích của nhà tù cũ và cảm nhận những gì mà những tù nhân đã phải chịu đựng trong quá khứ, từ đó bạn thêm yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình.Chiến tranh đã lùi xa, hàng vạn người đã ngã xuống, và nhà tù Côn Đảo là chứng tích lịch sử để thế hệ sau hiểu rõ về ý chí quật cường, trung kiên của bậc cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Bảo tàng Côn Đảo: Được khởi công xây dựng ngày 6/12/2009 và hoàn thành ngày 10/10/2010, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, gần di tích Chuồng Cọp Pháp, trong khuôn viên rộng hơn 2 ha, diện tích xây dựng 3.570 m2, diện tích trưng bày 1.700m2. Công trình nhà Bảo tàng Côn Đảo được xây dựng làm nơi lưu giữ những di sản văn hóa, lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp phát triển bền vững của huyện Côn Đảo.
Gần 2.000 hiện vật và tư liệu được trưng bày tại đây. Không gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế khá đơn giản nhưng vô cùng ấn tượng, bao gồm 1 gian khánh tiết và 4 chủ đề chính: Côn Đảo – Thiên nhiên con người, Côn Đảo – Địa ngục trần gian, Côn Đảo – Trận tuyến, trường học và Côn Đảo ngày nay.
Mỗi chủ đề được trưng bày tại đây đều mang đến những cảm xúc khó tả, lấy đi không ít nước mắt của du khách tham quan mỗi lần có dịp đến thăm bảo tàng Côn Đảo.
Ngoài ra, bảo tàng còn có một phòng trưng bày, triễn lãm chuyên đề. Với mỗi chủ đề, các hiện vật được trưng bày theo một phong cách khác nhau và mang lại cho người xem nhiều cảm xúc đặc biệt. Chân dung những người anh hùng kiên cường bất khuất suốt những năm tháng đấu tranh chắc hẳn là biểu tượng đẹp, khó quên trong ký ức của mỗi người khi đến đây.
- Nhà chúa đảo: Dinh chúa đảo còn có tên gọi khác là Dinh ông lớn hay Dinh tỉnh trưởng. Đây là nơi ở và làm việc của các chúa đảo ngày trước – những người đứng đầu bộ máy cai trị ở Côn Đảo.
Dinh chúa đảo khởi công xây dựng từ năm 1862 và hoàn thành vào năm 1876. Nơi đây đã trải qua hơn 50 đời chúa đảo xuyên suốt 113 năm, trong đó có 39 chúa ở thời kỳ Pháp thuộc và 14 chúa dưới thời đế quốc Mỹ chiếm đóng. Tổng diện tích của Dinh chúa đảo khoảng 1,86 ha, bao gồm tòa nhà chính, các gian nhà phụ cùng sân vườn và các hạng mục công trình khác. Cổng chính của Dinh chúa đảo nhìn thẳng ra khu vực Cầu Tàu 914.
Dinh chúa đảo có không gian cổ kính mang đậm phong cách thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp và vẫn còn giữ nguyên những hiện vật ngày xưa. Trải qua các giai đoạn lịch sử nhưng nét cổ kính và những vật dụng trong Dinh chúa đảo vẫn còn khá nguyên vẹn, giữ được nét đặc trưng riêng.
Dinh chúa đảo còn lưu giữ các hiện vật, tư liệu về giấy tờ, hình ảnh quí đã được Ban quản lý Khu di tích thu thập bổ sung vào phòng trưng bày. Đây là những tư liệu giá trị được bảo tồn nguyên vẹn và là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong những năm gần đây.
Dinh chúa đảo là hiện thân cho hai đời sống đối lập nhau: Lối sống đế vương của chúa đảo và sự cùng cực của những tù nhân cách mạng.
- Cầu tàu 914 (phía trước Nhà chúa đảo): Cầu tàu 914 được xây dựng từ năm 1873 với phác thảo ban đầu dài 107m tính từ mép đường trước cổng Dinh Chúa đảo vươn ra vịnh Côn Sơn. Trải qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng, ngày nay Cầu tàu 914 có chiều dài hơn 300m, rộng gần 5m, ở cuối cầu tàu có đoạn rộng gần 8m.
Để làm cầu tàu này, biết bao người tù đã phải lao động khổ sai, vác đá kè bờ dọc tuyến đường ven biển… 914 người tù ở Côn Đảo đã ngã xuống vì kiệt sức, đá đè và đòn roi tra tấn khi khai thác, khiêng, vác đá về làm cầu tàu và kè đá dọc con đường ven biển. Cho nên, những người tù đã đặt tên Cầu tàu 914 vừa để tưởng nhớ những người đã mất, đồng thời ghi dấu tội ác của bọn thực dân, chúa đảo; hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc và khát vọng hòa bình cho thế hệ mai sau.
- Vân Sơn Tự: Chùa Núi Một hay còn gọi Vân Sơn Tự tọa lạc trên Núi Một, huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ ngụy.
Tổng diện tích quần thể khu di tích này 19.434 m2 được đầu tư trùng tu, nâng cấp, và xây dựng các hạng mục: Cổng chùa, Gác chuông, Tượng Phật, Miếu Địa Tạng, Miếu Sơn Thần, Nhà tổ, Nhà khách và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp điện, cấp thoát nước.
Từ năm 1960, ở nhà tù Côn Đảo, địch ra sức tăng cường mức độ bóc lột khổ sai bằng hình thức tổ chức “lao động cộng đồng” vào các ngày chủ nhật. Tháng 4/1965, địch bắt tù nhân án chung thân ở Trại 2 Phú Hải đi xây Chùa Núi Một, người tù phải khuân vật liệu: cát, đá, xi măng… từ dưới chân núi lên đỉnh núi. Mặc dù phản đối rất quyết liệt, nhưng các tù nhân vẫn buộc phải khuân vác các vật liệu cần thiết từ dưới chân núi lên địa điểm xây dựng chùa.
Đến chiều khi về trại giam, địch không cho tù nhân tắm và ăn cơm như thường lệ mà bắt chào cờ rồi nhốt vào phòng giam, sau đó chúng thanh lọc ra 63 người cho là cốt cán, cầm đầu nhốt vào xà lim (hầm đá) Trại II, 63 người tù bị nêm chật trong 2 hầm đá xếp đứng hình như không còn chỗ cử động; không khí không đủ để thở, địch dùng bao bố bịt lổ thông hơi, hòng biến 2 hầm đá thành hai nấm mồ tập thể, nhiều người tù bị ngạt thở. Đồng chí Mai Văn Xinh quê Bến Tre đã bị chết ngạt tại hầm đá Trại II vào ngày 01/5/1965 (hiện nay mộ đ/c yên nghỉ tại khu C Nghĩa Trang Hàng Dương Côn Đảo).
Sau năm 1975, chùa là nơi thờ Phật của người dân trên đảo, là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo, đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh theo quyết định số 4025/QĐ-UBND ngày 04/12/2009.
Để di chuyển lên Vân Sơn Tự, bạn có thể lựa chọn một trong hai phương án: hoặc là đi bộ qua khoảng 200 bậc thang men theo dốc núi, hoặc là chạy xe máy theo con đường mòn lên tới cổng chùa. Lên chùa, bạn ngắm cảnh trên đảo rất đẹp, trên đây chụp hình thì tuyệt vời. Leo lên tới chùa, bạn được ăn chè đậu xanh và uống nước hạt é khá mát.
- Miếu Cậu (miếu Hoàng Tử Cải): Miếu Cậu hay miếu Hoàng Tử Cải là một ngôi miếu nhỏ nằm trong rừng, gần đường Cỏ Ống và bãi biển Đầm Trầu, Côn Đảo.
Miếu là nơi thờ Hoàng Tử Cải, con trai của Bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Đây cũng là nơi chôn cất Hoàng Tử Cải sau khi dân làng Cỏ Ống thấy thi thể của cậu. Tương truyền Miếu Cậu cũng là một ngôi miếu linh thiêng bậc nhất ở Côn Đảo. Du khách khi tới Côn Đảo thường ghé thăm, thắp hương tại miếu sau khi đã ghé thăm nghĩa trang Hàng Dương, Mộ Chị Sáu và miếu Bà Phi Yến. Miếu và phần mộ của Hoàng tử Cải được sơn màu trắng muốt, nổi bật giữa không gian trầm mặc và xanh tươi của núi rừng. Trước miếu là hai chú ngựa đá oai phong như đang canh giữ giấc ngủ ngàn thu của vị hoàng tử xấu số.
Đây chỉ là một số trong những địa điểm nổi tiếng ở Côn Đảo. Hòn đảo này còn nhiều điểm đến khác đáng khám phá, giúp bạn có một kỳ nghỉ thú vị và trọn vẹn.
Xem thêm: Top 7 bãi biển tuyệt đẹp tại Côn Đảo