Toà tháp đôi Petronas (Petronas Twin towers) là một cao ốc nổi tiếng và cũng là biểu tượng của thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Với chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh của tòa nhà là 452m, tòa tháp này đã từng giữ vị trí là tòa nhà cao nhất thế giới từ khi hoàn thành vào năm 1998 cho đến ngày 17/10/2003 với 88 tầng, khi tòa Taipei 101 (quận Xinyi, thành phố Đài Bắc, Đài Loan) xây dựng xong với độ cao 508m, đã chính thức vượt mặt tháp Petronas về chiều cao.
Tháp đôi Petronas được đầu tư xây dựng bởi tập đoàn dầu khí hùng mạnh nhất tại Malaysia. Đây được đánh giá là không gian làm việc cực kỳ lý tưởng cho các công ty, văn phòng lớn bởi có những khu vực rộng khoảng 1.300 – 2.000m2 mà không hề có cột ở giữa. Hiện nay, tòa nhà thứ nhất trong hai tòa nhà được sử dụng để đặt trụ sở làm việc của Tổng công ty Petronas – chủ đầu tư tòa tháp, và các công ty con của tập đoàn. Tòa tháp thứ 2 dùng để cho thuê làm văn phòng của một số công ty nổi tiếng như: Microsoft, IBM, Boeing…
Tháp đôi Petronas là một kiến trúc độc đáo của thế kỷ XXI, được thiết kế bởi kiến trúc sư danh tiếng Cesar Pelli người Mỹ gốc Argentina. Tòa tháp được thiết kế dựa trên cảm hứng từ kiến trúc của các nhà thờ Hồi giáo kết hợp với những nét kiến trúc mang phong cách hiện đại với hình xoắn ốc nhỏ dần về phía đỉnh, tạo cho tòa tháp đôi Petronas một thiết kế mang phong cách độc đáo mà không nơi nào có trên thế giới.
Petronas được xây dựng trên khu đất đã từng xây dựng trường đua xe. Kết cấu chính của tòa nhà là bê tông cốt thép với khả năng chịu lực rất cao. Mặt ngoài của tòa tháp được làm hoàn toàn bằng kính và thép chịu lực theo phong cách kiến trúc nghệ thuật của đạo Hồi. Công trình này được xem là kỷ lục của các tòa nhà cao tầng trên thế giới với độ sâu của móng tháp lên tới 120m, và được đổ bằng một khối bê tông khổng lồ để đảm bảo sự vững chắc. Tuy nhiên, điều khá thú vị ở đây là một trong hai tòa tháp này được làm nghiêng khoảng 25mm so với phương thẳng đứng.
Ngoài ra, điểm ấn tượng của tháp đôi này nằm ở chỗ hai tòa tháp được nối với nhau bằng một chiếc cầu trên cao – Skybridge, cây cầu này cao 170m và có chiều dài là 158m, nối hai tòa tháp tại tầng 41 và 42, nơi được xem là tầng chuyển vì bất cứ ai khi muốn lên những tầng cao hơn đều phải đổi thang máy tại đây. Skybridge là chiếc cầu trên không cao nhất thế giới, có chức năng như một con đường thoát hiểm, được thiết kế đặc biệt để có thể trượt tới, trượt lui chứ không thực sự gắn dính hai tháp nhằm tránh tổn hại đến cấu trúc của hai tòa tháp. Skybridge còn giúp du khách trải nghiệm cảm giác thú vị khi được ngắm nhìn thành phố từ trên cao.
Chiếc cầu này rất tiện lợi cho các nhân viên làm việc tại các công ty có văn phòng thuộc tòa nhà này, bởi họ có thể di chuyển giữa hai tòa nhà mà không phải xuống tầng 1 trệt.
Đứng trên cây cầu này, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thủ đô Kuala Lumpur. Vào mỗi buổi sáng sớm, khoảng 1.400 vé lên chiếc cầu trên cao sẽ được phát miễn phí cho khách du lịch. Và để đảm bảo an toàn cho cây cầu, số người lên cầu mỗi lần đều bị hạn chế.
Năm 1995, Tháp đôi được khởi công xây dựng với sự thi công của hai công ty độc lập, mỗi công ty đảm trách một tòa tháp. Tuy khởi công chậm hơn công ty Hazama một tháng nhưng tòa tháp thứ nhất do Samsung Construction thi công đã về đích trước. Điều thú vị là sau khi tòa tháp thứ hai hoàn thành, người ta mới phát hiện cấu trúc của tòa tháp này nghiêng 25mm so với phương thẳng đứng.
Phần tòa tháp bên trên được dựng hoàn toàn bằng vật liệu thép và kính, với 55.000m² kính dày 20,38mm được chế tạo đặc biệt có tác dụng ngăn tia cực tím.
Sau 4 năm xây dựng với chi phí lên đến 1,6 tỷ USD, Tháp đôi Petronas đã chính thức khánh thành vào ngày 31-8-1997 dịp kỷ niệm quốc khánh lần thứ 40 của Malaysia, và được đưa vào sử dụng năm 1998. Dựa vào các yếu tố chiều cao, sự tiện nghi, an toàn, vẻ đẹp hài hòa… Tháp đôi Petronas đã được công nhận “Wawasan năm 2020” (Tầm nhìn 2020) của Malaysia vào lúc bấy giờ.
Theo thiết kế ban đầu, tòa tháp chỉ cao 427m được bố trí hài hòa trong tổng thể khu phức hợp gồm công viên, công trình văn hóa và công sở tại thủ đô Kuala Lumpur. Chính vị Thủ tướng lúc bấy giờ là Mahathir bin Mohamad đã đề xuất ý tưởng biến công trình thành tòa tháp cao nhất thế giới và thiết kế đã được điều chỉnh đưa độ cao đến sàn cao nhất 375m, đến mái 403m và đến ăng-ten 452m.
Dưới chân tòa tháp Petronas là trung tâm thương mại Suria KLCC (Kuala Lumpur City Centre) được đánh giá là lớn nhất và hiện đại nhất tại Malaysia (rộng 17 mẫu Anh (Acre). Suria KLCC gồm 6 tầng trệt với gần 400 cửa hàng, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng xa xỉ nhất thế giới như Gucci, Prada, Rolex… trở thành thiên đường cho những người mua sắm. Tại tầng 6 – tầng trên cùng của Suria KLCC là khu ẩm thực Malaysia với giá vừa phải, du khách có thể vừa ăn uống vừa ngắm nhìn khung cảnh toàn thành phố.
Ngoài trung tâm mua sắm và công viên, tại Tháp đôi này còn có nhà hàng, quán bar, khách sạn, một số điểm tham quan khác như Khu trưng bày nghệ thuật Petronas, Trung tâm Khoa học Petrosains, Trung tâm hội nghị Kuala Lampur, đặc biệt Dewan Filharmonik Petronas là phòng hòa nhạc nằm giữa hai tháp, được thiết kế theo phong cách châu Âu thế kỷ XIX, một trong số các phòng hòa nhạc tốt nhất thế giới, địa điểm hàng đầu về âm nhạc cổ điển tại khu vực Đông Nam Á…
Phía ngoài tòa tháp là một công viên rộng lớn với các đường chạy bộ và lối đi dạo, một khu vui chơi dành cho trẻ em, một thánh đường Hồi giáo, một hồ đi dạo rộng lớn, đài phun nước có biểu diễn nhạc nước Philharmonic và ánh sáng mỗi ngày với vòi nước phun cao đến 42m, thủy cung…
Giờ mở và đóng cửa:
- Thứ Ba – Chủ Nhật từ 9h sáng đến 9h tối
- Đóng cửa vào các ngày thứ Hai và từ 1h trưa đến 2h30 chiều các ngày thứ Sáu
Lưu ý:
- Vé chỉ dành cho khung giờ xác định trên vé
- Trẻ em 0-2 tuổi vào cửa miễn phí (trừ số vé được phát miễn phí)
- Trẻ em phải được đi cùng với 1 người lớn mọi lúc
- Vé trẻ em: 3-12 tuổi
- Vé người cao tuổi: từ 61 tuổi trở lên
- Cần xuất trình hộ chiếu hoặc giấy căn cước hợp lệ ở cổng an ninh
- Không được mang theo đồ ăn uống khi tham quan
- Nghiêm cấm hút thuốc bên trong Tháp đôi Petronas
- Các dụng cụ nhiếp ảnh như đế tripod, gậy monopod hoặc những vật tương tự không được mang vào tháp.
- Tất cả du khách, túi và dụng cụ cá nhân phải đi qua cổng dò kim loại tại cửa an ninh.
- Hành khách trong mọi lúc phải luôn tuân thủ và làm theo các bảng chỉ dẫn, điều lệ và qui định cùng hướng dẫn từ ban điều hành Tháp đôi.
- Khách có quốc tịch Malaysia phải xuất trình thẻ MyKad, còn khách không mang quốc tịch Malaysia phải xuất trình hộ chiếu tại cửa kiểm tra an ninh.
Địa chỉ Tháp đôi Petronas: Kuala Lumpur City Centre, 50088 Kuala Lumpur, Federal Territory of Kuala Lumpur, Malaysia.
>> Du lịch khám phá vùng nông nghiệp của Malaysia